Nguồn gốc ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Liên quan đến lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam, tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế của các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp), lấy tên là Liên hiệp quốc tế Các công đoàn giáo dục (FISE). Năm 1949, tại hội nghị ở thủ đô của Ba Lan, tổ chức này xây dựng bản Hiến chương Các nhà giáo.
Tháng 7/1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này. Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới nhất trí thông qua bản Hiến chương Các nhà giáo gồm 15 chương.
Từ ngày 26 đến ngày 30/8/1975, tại Warszawa – thủ đô Ba Lan – diễn ra hội nghị FISE với 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Hội nghị quyết định lấy ngày 20/11/1958 là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, đó chính là nguồn gốc ngày 20/11.
Liên quan trực tiếp đến nguồn gốc ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó, ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam và gắn liền với truyền thống tôn sư trọng đạo của đất nước ta.
Ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Ngày 20/11 là ngày lễ nhằm tri ân những nhà giáo, những tấm gương hoạt động giáo dục có đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam.
Ngày 20/11 từ lâu được xem là ngày tôn sư trọng đạo nhằm tôn vinh các thầy giáo, cô giáo và những người làm giáo dục. Vào ngày này, cả xã hội và các thế hệ học trò thể hiện sự tri ân với “những người đưa đò thầm lặng”.
Cùng với đó, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là dịp để ngành giáo dục nhìn lại và đánh giá hiệu quả của các hoạt động giáo dục và lập phương hướng cho các cải tiến trong dạy và học. Mỗi dịp 20/11 hàng năm, nhiều hoạt động kỉ niệm, tôn vinh, tri ân các thầy cô giáo được tổ chức trang trọng, ý nghĩa trên khắp cả nước, thể hiện ý nghĩa tốt đẹp của ngày Nhà giáo Việt Nam.